Quản Trị 24h

ĐỌC KẾT QUẢ HIỆU CHUẨN VÀ GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ HIỆU CHUẨN HAY KIỂM ĐỊNH THIẾT BỊ ĐỊNH LƯỢNG SẢN PHẨM BAO GÓI SẴN

ĐỌC KẾT QUẢ HIỆU CHUẨN VÀ GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ HIỆU CHUẨN HAY KIỂM ĐỊNH THIẾT BỊ

 

1. ĐỌC KẾT QUẢ HIỆU CHUẨN

Trong bài viết kiến thức về hiệu chuẩn – kiểm định thiết bị đo lường (link: https://quantri24h.vn/quan-ly-thiet-bi-theo-doi-va-do-luong-hieu-chuan-kiem-dinh-thiet-bi/) tôi đã giới thiệu về sử dụng dữ liệu kết quả hiệu chuẩn thiết bị, tuy nhiên nhiều người hỏi tôi ý nghĩa của những thông số trong bản kết quả đó như thế nào? Trong bài viết này tôi sẽ hướng dẫn các bạn đọc kết quả hiệu chuẩn thiết bị. Do không phải chuyên về đo lường nên bài viết có thể sai xót, rất mong các anh/chị góp ý để tôi hoàn thiện bài viết của mình.

Trong các Phiếu kết quả hiệu chuẩn chúng ta thường thấy các thông số chính: Độ lệch (Difference), Số hiệu chính (Correction), độ phủ K, P = 95%. Vậy những con số này có ý nghĩa là gì?

1.1. Độ lệch (Difference) và Số hiệu chính (Correction):

Thông thường giấy Chứng nhận hiệu chuẩn cung cấp cho chúng ta 2 thông số (người sử dụng phương tiện đo (PTĐ) phải trả tiền để có 2 thông số này và 2 thông số này thay đổi theo thời gian trong quá trình sử dụng và hiệu chuẩn lại): Độ lệch (sai số hệ thống – SSHT) và độ không đảm bảo đo (sai số ngẫu nhiên – SSNN).

Độ lệch là sự khác nhau giữa giá trị chuẩn với giá trị của phương tiện đo tại một giá trị mức đo. Độ lệch được tính bằng cách lấy giá trị đo của phương tiện trừ đi giá trị chuẩn.

Khi sử dụng để đảm bảo PTĐ có sai số tốt nhất người sử dụng PTĐ phải hiệu chính SSHT bằng cách dùng số hiệu chính hoặc hệ số hiệu chính. Số hiệu chính có giá trị như độ lệch nhưng ngược dấu (ví dụ như đồng hồ đeo tay của ta chạy chậm 2 phút so với đồng hồ chuẩn thì mỗi lần đọc ta cộng thêm 2 phút). Hệ số hiệu chính là số vô thứ nguyên nên khi hiệu chính ta nhân với kết quả đo. Sau khi đã hiệu chính SSHT thì kết quả đo luôn tồn tại Độ không đảm bảo đo (SSNN), vấn đề là người sử dụng PTĐ có chấp nhận giá trị này hay không? (phù hợp với mục đích sử dụng), nếu phù hợp thì tiếp tục đưa vào sử dụng còn không phù hợp thì thay mới PTĐ;

Ví dụ: tại mức cân 50 g, giá trị chuẩn là 50 g, cân cần hiệu chuẩn chỉ giá trị 50,5 gam, Độ lệch = 50,5 – 50 = 0,5 g, vậy độ lệch phương tiện tại giá trị đo là 0,5 g.

Độ lệch nói lên phương tiện bạn già hay non hơn giá trị chuẩn là bao nhiêu. Trong thực tế các cân của các tiểu thương nhỏ, họ có hành vi gian lận bán thì dùng cân non (cân thiếu ký), mua thì dùng cân già (cân dư ký) để tăng thêm lợi nhuận phi pháp là chỉ số này.

Khi phương tiện đo của bạn có sự độ lệch thì bạn có thể đưa về giá trị đúng bằng cách cộng thêm giá trị hiệu chính hay số hiệu chính. Số hiệu chính cùng giá trị với độ lệch nhưng ngược dấu. Ở ví dụ trên, Số hiệu chính = – 0,5 g.

Trên thực tế, khi phương tiện có độ lệch lớn, tuy nhiên độ không đảm bảo đo nằm trong giới hạn cho phép thì bạn vẫn có thể sử dụng phương tiện đo này, tuy nhiên kết quả đo phải cộng thêm hệ số hiệu chính.

1.2. Độ không đảm bảo và độ không đảm bảo mở rộng

Độ không đảm bảo thể hiện tình trạng của phương tiện đo lường của bạn có ổn định hay không, độ không đảm bảo cao hơn quy định nghĩa là cân của bạn không còn độ tin cậy để sử dụng nữa.

Nếu với Độ độ lệch thì chúng ta có hệ số hiệu chính để đưa về giá trị đúng, tuy nhiên độ không đảm bảo đo vượt quy định thì ta chỉ có thể bỏ hoặc chuyển sang mục đích khác có sai số phương tiện cho phép cao hơn mà thôi.

Một ví dụ điền hình về độ không đảm bảo của phương tiện đo là cân điện tử. Ta có một cân điện tử, ta tiến hành cân bằng quả cân chuẩn 1000 kg, cân lần đầu thiết bị hiển thị là 0,9 kg, cân lần thứ 2 thiết bị hiển thị 1,5 kg, cân lần thứ 3 thiết bị hiển thị là 1 kg. Khoản chạy từ 0,9 kg – 1,5 kg được xem như là biểu hiện của độ không đảm bảo của phương tiện.

Trong các kết quả của hiệu chuẩn ta thường thấy có 2 chỉ số là độ không đảm bảo và độ không đảm bảo mở rộng của phương tiện đo, sau đây ta đi tìm hiểu.

a. Độ không đảm bảo

         Trong giấy kết quả hiệu chuẩn chúng ta thường thấy độ không đảm bảo, lúc thì độ không đảm bảo mở rộng, hai chỉ số này nói lên vấn đề gì?

Độ không đảm bảo đo là thông số không âm đặc trưng cho sự phân tán của các giá trị đại lượng được quy cho đại lượng đo, trên cơ sở thông tin đã sử dụng (theo TCVN 6165:2009). Nếu hiểu một cách đơn giản, thì độ không đảm bảo của phương tiện nghĩa là các giá trị có thể đưa ra bởi một thiết bị trong một khoản đo nhất định.

Ví dụ trên giấy kết quả hiệu chuẩn tại giá trị 30 g, độ không đảm bảo là 2, nghĩa là bạn có một quả cân chuẩn 30 g, ban cân n lần thì giá trị hiển thị của cân nằm trong khoản từ 30 ± 2 g, và không ra khỏi vùng này. Cùng một quả cân chuẩn đúng 30 g, bạn cân n lần thì nó có thể nhỏ nhất là 28 g và lớn nhất là 32 g.

b. Độ không đảm bảo mở rộng và hệ số phủ

Độ không đảm bảo đo mở rộng là tích của độ không đảm bảo đo chuẩn tổng hợp và một hệ số lớn hơn một, hệ số này gọi là hệ số phủ K (theo TCVN 6165:2009).

Hệ số phủ k (mức độ tin cậy) là số lớn hơn một nhân với độ không đảm bảo đo chuẩn tổng hợp để nhận được độ không đảm bảo đo mở rộng (theo TCVN 6165:2009). Khi độ không đảm bảo đo đã được xác định thì nó sẽ được nhân thêm với hệ số phủ (k), thường thì lấy hệ số phủ k=2 (hoặc 2 sigma). Phép nhân này được thực hiện để có được mức độ tin cậy lớn hơn cho kết quả. Theo phân bố chuẩn (Gaussian), các giá trị sigma khác nhau ứng với mức độ tin cậy:

  • 1 sigma (k=1) ứng với mức độ tin cậy P là 68%.
  • 2 sigma (k=2) ứng với mức độ tin cậy P là 95%.
  • 3 sigma (k=3) ứng với mức độ tin cậy P là 99,7%.

Độ không đảm bảo đo mở rộng cung cấp 1 khoảng trị số mà trong đó có chứa giá trị thực của một thí nghiệm với mức p quy định. Độ không đảm bảo mở rộng được ước lượng bằng cách nhân độ không đảm bảo chuẩn tổng hợp uc với hệ số phủ k

Ue = k x uc

Với :

  • Ue: độ không đảm bảo mở rộng
  • k: hệ số phủ
  • uc: Độ không đảm bảo chuẩn phù hợp

Ví dụ: sau khi hiệu chuẩn phương tiện đo, ta có độ không đảm bảo mở rộng tại giá trị 20 oC, Ue = 1 oC, k = 2, P = 95. Điều này có nghĩa là tại giá trị 20 oC, thì 95 % kết quả đo của phương tiện nằm trong khoảng 20 ± 1 oC.

 2. KHI NÀO HIỆU CHUẨN HOẶC KIỂM ĐỊNH PHƯƠNG TIỆN ĐO HÀNG ĐÓNG GÓI SẴN

Phương tiện đo dùng để định lượng sản phẩm đóng gói hàng bao gói sẵn thì nên hiệu chuẩn hay kiểm định? có nhiều người cho rằng thiết bị này phải kiểm định vì nó phục vụ hoạt động mua bán theo phương tiện đo nhóm 2. Tuy nhiên, điều này là chưa đúng.

– Đối với Nhà sản xuất hoặc đóng gói: chỉ yêu cầu lượng đóng gói phải phù hợp với yêu cầu của Thông tư 21/2014/TT-BKHCN đối với hàng đóng gói sẵn, PTĐ mà họ sử dụng trong quá trình sản xuất nhà nước không quan tâm (có nghĩa chỉ cần hiệu chuẩn là đủ không bắt buộc phải Kiểm Định)

– Đối với cơ quan quản lý nhà nước về đo lường: Các PTĐ mà họ sử dụng để kiểm tra hàng đóng gói sẵn phải được kiểm định;


Nguyễn Hoàng Em

Tài liệu tham khảo:

  1. http://calgroup.vn/News/Huong-Dan-Xac-Dinh-Do-Khong-Dam-Bao-Do-3075
  2. TCVN 6165:2009 (ISO/IEC GUIDE 99:2007) TỪ VỰNG QUỐC TẾ VỀ ĐO LƯỜNG HỌC – KHÁI NIỆM, THUẬT NGỮ CHUNG VÀ CƠ BẢN (VIM)
  3. Thông tư 21/2014/TT-BKHCN;