Quản Trị 24h

ISO 22000:2015 – 7.3 NHẬN THỨC

7.3 NHẬN THỨC

  Theo Tra từ Soha, nhận thức là kết quả của quá trình phản ánh và tái hiện hiện thực vào trong tư duy; kết quả con người nhận biết, hiểu biết thế giới khách quan.

Quá trình thúc đẩy nhận thức là quá trình giúp con người nhận ra và biết được vấn đề cần nhận thức. Mục đích của quá trình thúc đẩy nhận thức là giúp con người thay đổi hành vi và có hành động đúng.

Theo tiêu chuẩn ISO 9000:2015, nhận thức đạt được khi mọi người hiểu rõ trách nhiệm của họ và cách hành động của họ góp phần vào việc đạt được các mục tiêu của tổ chức. Nhận thức về tầm quan trọng của một hoạt động có nghĩa là cá nhân có thể tiếp cận các hoạt động với các hành vi thích hợp.

Kết quả của nhận thức thường biểu hiện trên hành vi của người đó, một người nhận thức tích cực về vấn đề thì hành vi của họ có xu hướng tích cực, một người có nhận thức tiêu cực thì hành động của họ sẽ tiêu cực. Ví dụ, một người nhận thức rằng sếp của họ thiếu công bằng và bắt ép họ thì hành vi của họ trở nên bất mãn.

Để một con người làm đúng thì đầu tiên họ phải có nhận thức đúng, muốn nhận thức đúng thì chúng ta phải thực hiện các hoạt động thúc đẩy nhận thức của họ. Trong bối cảnh của tiêu chuẩn này, việc thực hiện hoạt động thúc đẩy nhận thức có rất nhiều cách, một số cách sau tổ chức có thể tham khảo:

  • Giới thiệu về một công việc mới;
  • Đào tạo cho một công việc mới hoặc thay đổi;
  • Hướng dẫn tường tận về sản phẩm;
  • Hiển thị biểu đồ và các thông báo cảnh báo;
  • Trình chiếu các slide, video, email, cuộc họp về vấn đề cần nhận thức;
  • Phân tích, giải thích cho đối tượng về những hành vi đúng; …

Bạn có thể đọc thêm bài viết khái quát về nhận thức theo link http://quantri24h.com/iso-140012015-dieu-khoan-7-3-nhan-thuc/

 

 

NHẬN THỨC VỀ CHÍNH SÁCH ATTP

 

Tiêu chuẩn yêu cầu:

Tổ chức phải đảm bảo những người liên quan thực hiện công việc dưới sự kiểm soát của tổ chức nhận thức được chính sách ATTP (7.3.a).

 

Điều này có nghĩa là gì?

Trong các điều khoản khác hầu hết chỉ yêu cầu liên quan đến những người mà hoạt động của họ có ảnh hưởng đến FSMS. Nhưng trong điều khoản này yêu cầu liên quan đến những người dưới sự kiểm soát của tổ chức, yêu cầu này rộng hơn bao gồm tất cả các công nhân viên của tổ chức. Bao hàm luôn cả nhân viên vệ sinh và tập vụ.

Chính sách FSMS là mục đích và định hướng của tổ chức về ATTP, do đó tất cả các công nhân viên phải nhận thực được điều này để đảm bảo rằng hành vi của họ hướng vào chính sách của công ty.

 

Làm thế nào để chứng minh?

Các nhân viên cần phải nhận thức được sự tồn tại của chính sách ATTP và những ý nghĩa của nó đối với họ. Hầu hết các chính sách ATTP của tổ chức thường ở một mức độ trừu tượng và đôi khi có một vài từ khóa hoặc thuật ngữ khó hiểu, vì vậy chúng ta phải giải thích những vấn đề này một cách cụ thể giúp người lao động hiểu đúng.

Tổ chức có thể lựa trọn mốt số cách thúc đẩy nhận thức ở trên để truyền đạt chính sách ATTP. Tuy nhiên, theo chúng tôi cách tốt nhất là tổ chức một buổi giải thích cho toàn thể nhân viên về chính sách ATTP và trách nhiệm của họ với chính sách ATTP. Để họ không quên, tổ chức nên hiển thị chính sách ATTP tại một nơi nào đó thuận tiện hoặc phát cho họ những file dạng card chứa nội dung chính sách cho họ để trong bảng tên khi cần tham khảo.

Tiêu chuẩn không yêu cầu để lại bằng chứng cho quá trình nhận thức này, chỉ cần người lao động chứng minh nhận thức bằng cách giải thích nội dung và ý nghĩa của chính sách ATTP, nêu nhiệm vụ và hoạt động nào của họ giúp hỗ trợ chính sách ATTP. Tiêu chuẩn không yêu cầu học thuộc chính sách ATTP.

Trong trường hợp đánh giá việc truyền đạt chính sách chất lượng, đánh giá viên có thể hỏi bất kỳ ai liên quan đến FSMS họ phải giải thích được chính sách đang ở vị trí nào và giải thích được ý nghĩa của từng đề mục trong chính sách và đóng góp của họ trong việc duy trì có hiệu lực của chính sách ATTP.

 

NHẬN THỨC VỀ MỤC TIÊU ATTP

 

Tiêu chuẩn yêu cầu:

Tổ chức phải đảm bảo những người liên quan thực hiện công việc dưới sự kiểm soát của tổ chức nhận thức được mục tiêu ATTP liên quan (7.3.b).

 

Điều này có nghĩa là gì?

Mục tiêu là cụ thể hoá của chính sách ATTP, nó là cơ sở để đo lường tính hiệu lực của chính sách. Tiêu chuẩn yêu cầu tất cả các công nhân viên của tổ chức phải nhận thức được mục tiêu của tổ chức. Một mục miêu muốn đạt được phải có sự đồng lòng và nhất trí của toàn bộ team, để cả team nhất trí cùng thực hiện mục tiêu thì điều đầu tiên họ phải biết có nhựng mục tiêu gì? Và họ cần phải làm gì để đạt được mục tiêu. Ví dụ như mục tiêu duy trì môi trường làm việc sạch sẽ không có rác thì điều đầu tiên chị lao công phải biết, anh bảo trì phải biết và tất cả những người làm trong khu vực đó phải biết để khi họ làm việc thì không để phát sinh rác thải ra khu vực xung quanh.

Mục đích của yêu cầu này là định hướng các người thực hiện công việc phải hướng vào việc đạt được mục tiêu của tổ chức, giúp khả năng hoàn thành mục tiêu được cao hơn nhờ sự tham gia của tất cả mọi người.

 

Làm thế nào để chứng minh?

Tổ chức cần phải lựa chọn phương pháp phù hợp ở trên để thúc đẩy quá trình nhận thức của công nhân viên về mục tiêu ATTP của tồ chức, một chương trình năng cao nhận thức về mục tiêu ATTP cho công nhân viên có thể bao gồm:

  • Mô tả về mục tiêu và mong muốn đạt được;
  • Giải thích cho họ hiểu tại sao các mục tiêu này lại cần thiết;
  • Giải thích cho họ về chương trình hành động và sự đóng góp của họ vào việc đạt được mục tiêu của tổ chức.

Khi một đánh giá viên hỏi bất kỳ một nhân sự nào đó thuộc sự kiểm soát của tổ chức, thì người đó phải giải thích được mục tiêu ATTP, và những hành động gì của họ nhằm góp phần đạt được mục tiêu của công ty.

 

NHẬN THỨC VỀ SỰ ĐÓNG GÓP CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG CHO HIỆU LỰC CỦA HỆ THỐNG

 

Tiêu chuẩn yêu cầu:

 

Tổ chức phải đảm bảo những người liên quan thực hiện công việc dưới sự kiểm soát của tổ chức nhận thức được việc đóng góp của họ cho hiệu lực của hệ thống quản lý ATTP, gồm cả lợi ích của việc hiện được cải tiến (7.3.c).

 

Điều này có nghĩa là gì?

Mục đích của yêu cầu này là nhằm đáp ứng yêu cầu sự tham gia của mọi người. Một hệ thống quản lý ATTP sẽ không được kết quả như dự định nếu không có sự tham gia của tất cả mọi người. Vì vậy, để mọi người tham gia thì chúng ta phải giáo dục ý thức của họ về hệ thống quản lý ATTP và lợi ích mà nó mang lại cho tổ chức.

Quá trình nâng cao nhận thức về ATTP có thể có các phương pháp sau:

  • Xây dựng các đội có chức năng chéo,
  • Cho họ tham gia vào việc lập kế hoạch ATTP,
  • Khuyến khích họ đề xuất cải tiến,
  • Hội thảo về sản phẩm,
  • Xây dựng chương trình không khuyết tật cho toàn công ty….

Quá trình để tạo động lực cho người lao động đóng góp vào hiệu lực của FSMS có thể bao gồm việc sử dụng các phương pháp như:

  • Xây dựng giải thưởng khuyến khích (khuyến khích cải tiến, khuyến khích đóng góp ý kiến, các ý tưởng mới, các nhân viên giỏi ….);
  • Các chương trình đào tạo liên tục;
  • Xây dựng một chương trình đánh giá hiệu quả và công bằng;
  • Thực hiện các cuộc khảo sát về sự thoả mãn và nhu cầu của người động…

 

Làm thế nào để chứng minh?

Việc đầu tiên mà tổ chức cần phải làm là giáo dục cho tất cả công nhân viên của tổ chức nhận thức đúng về tầm quan trọng và lợi ích mà FSMS mang lại. Đồng thời, hướng dẫn cho họ biết được hành động của họ cần phải hướng vào mục tiêu và chính sách ATTP. Khi mà họ nhận thức đúng vấn đề thì hành vi của họ mới đúng được.

Đa số các nhân viên đóng góp cho FSMS bằng cách áp dụng một cách chính xác các các thành phần hợp thành FSMS trong công việc của họ. Để làm được điều đó họ cần làm cho người lao động nhận thức các công cụ FSMS và sử dụng chính xác của họ.

Bằng chứng cho việc này là rất nhiều, nhưng về cơ bản chỉ cần người lao động hiểu rõ những việc sau:

  • Những việc họ cần làm là gì (nhiệm vụ)?
  • Làm việc đó như thế nào (cách thức thực hiện công việc, tài liệu, tiêu chuẩn…)?
  • Đánh giá hiệu quả của công việc đó như thế nào?
  • Bằng cách nào làm việc tốt hơn (cải tiến)?
  • Công việc làm của họ có ảnh hưởng đến QMS như thế nào?

 

NHẬN THỨC VỀ HỆ QUẢ CỦA SỰ KHÔNG TUÂN THỦ

 

Tiêu chuẩn yêu cầu:

Tổ chức phải đảm bảo những người liên quan thực hiện công việc dưới sự kiểm soát của tổ chức nhận thức được hệ quả của việc không tuân thủ các yêu cầu của hệ thống quản lý ATTP (7.3.d).

 

Điều này có nghĩa là gì?

Yêu cầu này khá rõ ràng, một người thực hiện một công việc nào đó, họ phải nhận thức rằng nếu họ không tuân thủ các tiêu chuẩn công việc thì hậu quả của việc đó là gì?

 

Yêu cầu này là phần công việc tiếp theo điều khoản 6.1, tức là sau khi xác định các rủi ro tiến hành các hành động để cho người lao động nhận thức được các rủi ro này (bao gồm việc không tuân thủ các yêu cầu).

Trong tiêu chuẩn áp dụng FSSC, các điểm không phù hợp làm 3 cấp độ như sau: Không phù hợp quan trọng (Critical NC), Không phù hợp nặng (Major NC) và Không phù hợp nhẹ (Minor NC), trong 3 phân loại trên thì điểm Critical là điểm cực kỳ quan trọng nó sẽ dẫn đến mất an toàn thực phẩm, trong đó 2 điểm liên quan đến nhận thức nếu phát hiện thì chuyên gia sẽ để ngay một Critical NC:

  • Một là: người lao động phân phân biệt thực phẩm sống và thực phẩm chính hay nói các khác sản phẩm đã tuyệt trùng và sản phẩm chưa tuyệt trùng. Ví dụ như để chung thực phẩm sống và chính cùng 1 chỗ, sử dụng chung thớt sắt thịt sống và thịt chin, …
  • Hai là không tách biệt sản phẩm không phù hợp và sản phẩm phù hợp. Ví dụ như sản phẩm rớt đất không cho riêng chờ xác nhận lại mà lượm bỏ lên chuyền sản xuất tiếp, chẳng hạng cá phi lê bị rớt xuống sàn, công nhân nhặt lên bỏ lên chuyền lại. về nguyên tắc thịt rớt sản đã mất an toàn thực phẩm vì có thể nhiễm mối nguy sinh học (vi sinh vật), hoá học (hoá chất tẩy rửa sàn), vật lý (rác, bụi, …).

 

Làm thế nào để chứng minh?

Một người lao động, khi họ bất mãn về tổ chức thì hành vi của họ cũng có thể ảnh hưởng đến việc hoàn thành công việc của họ. Vì vậy, việc tạo động lực là cần thiết để đảm bảo rằng người lao động có động lực thực hiện tốt công việc.

Họ phải nhận thức được những ảnh hưởng xấu nếu họ không tuân thủ các quy trình, quy định, nhận thức được các mối nguy trong quá trình tác nghiệp và các rủi ro có thể xảy ra.

Tóm lại, dù bằng cách nào đi nữa thì người lao động phải hiểu được những rủi ro của công việc họ đang làm và những hậu quả mà nó tác động khi không thực hiện đúng yêu cầu. Tiêu chuẩn không yêu cầu để lại bằng chứng cho yêu cầu này.

———————————————————

P/S Nếu bạn thấy bài viết này có ích cho bạn và người khác, hãy giúp tôi chia sẽ cho những người khác biết. Nếu bài viết chưa tốt vui lòng email cho tôi theo địa chỉ nguyenhoangem@gmail.com để chúng tôi hoàn thiện lại  (vì số lượng bài viết ngày càng nhiều nên bạn comment bên dưới tôi không có thời gian đọc hết lại các bài viết nên không phát hiện được khi bạn comment và trả lời kịp thời). Cám ơn bạn rất nhiều!

Nguyễn Hoàng Em